- Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não là dòng máu đến một phần nào đó của não đột ngột bị gián đoạn hoặc bị giảm đi đáng kể, dẫn đến các tế bào não bị thiếu dinh dưỡng và oxy. Các tế bào não sẽ bắt đầu chết đi chỉ trong một vài phút
Tai biến mach máu não là tình trạng cấp cứu, xử trí đúng cách và kịp thời có thể giúp giảm thiểu tổn thương não và tránh được các biến chứng không mong muốn
Có hai nhóm tai biến mạch máu não chính là :
- Thể thứ nhất là nhồi máu não, xảy ra khi mạch máu não bị hẹp hoặc bị tắc dẫn đến vùng não được tưới máu bị thiếu máu đột ngột và dần chết đi. Các mạch máu bị tắc nghẽn có thể do chất béo tích tụ tại mạch máu tạo nên mảng xơ vữa mạch gây hẹp dần lòng mạch, hoặc do cục máu đông từ nơi khác (mà thường là từ tim) đi đến gây tắc lòng mạch Đây là thể tai biến mạch máu não phổ biến nhất, chiếm hơn 80%. Một số người có thể chỉ bị gián đoạn tạm thời lượng máu lên não, còn được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua (transient ischemic attack- TIA)
- Thể thứ hai là xuất huyết não, xảy ra khi mạch máu não bị vỡ tạo nên khối máu tụ trọng nhu mô não hoặc trong não thất. Khối chảy máu lớn sẽ chèn ép nhu mô não, làm giảm tưới máu nhu mô não lành và tế bào não sẽ chết đi
2. Những ai có nguy cơ bị tai biến mạch máu não?
Đối tượng dễ xảy ra tai biến là:
- Người lớn tuổi, người lớn hơn 55 tuổi có nguy cơ tai biến mạch máu não cao hơn so với người trẻ tuổi
- Thừa cân, béo phì
- Lạm dụng rượu
- Hút thuốc lá
- Sử dụng các chất gây nghiện như cocain hay methamphetamine
- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường
- Tăng mỡ máu
- Hội chứng ngừng thở khi ngủ
- Các bệnh lý tim mạch bao gồm: Suy tim, các bệnh lý van tim, rối loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc
- Tiền sử gia đình có người bị tai biến mạch máu náo hoặc nhồi máu cơ tim
- Người bệnh sử dụng các thuốc chống đông máu
3. Một số triệu chứng thường gặp của tai biến mạch máu não
Triệu chứng của tai biến mạch máu não xảy ra một cách đột ngột. Các triệu chứng bao gồm:
- Nói khó và không hiểu lời nói: Người bệnh có thể không hiểu lời nói của người khác hoặc khó khăn trong việc diễn đạt
- Liệt hoặc tê mặt, cánh tay hoặc chân: Người bệnh có thể tê, yếu hoặc liệt hoàn toàn một nửa mặt, một bên cánh tay hoặc chân. Khi cố gắng giơ hai tay hoặc hai chân lên cùng một lúc, nếu một bên không tể cử động được hoặc bị rơi xuống trước, có thể người bệnh bị tai biến mạch máu não. Hoặc khi cố gắng mỉm cười nhưng một bên miệng rủ xuống
- Đột ngột nhìn mờ một bên mắt hoặc cả hai bên
- Đau đầu: người bệnh có thể đau đầu dữ dội, kèm theo nôn, chóng mặt hoặc thay đổi ý thức
- Khó đi lại: người bệnh có thể vấp ngã hoặc mất thăng bằng. Có thể chóng mặt đột ngột hoặc mất phối hợp vận động
4. Cách để nhận biết được một người bị tai biến mạch máu não
Hãy nhớ quy tắc “FAST” đề phát hiện bệnh nhân tai biến mạch máu não như sau:
- F (Face – khuôn mặt): Hãy bảo người bệnh cười, liệu bệnh nhân có méo miệng hay một bên mặt rủ xuống không
- A (Arm – cánh tay): Yêu cầu người bệnh giơ cao hai tay. Có bên cánh tay nào rơi xuống hoặc bệnh nhân không thể giơ tay lên được
- S (Speech – lời nói): Yêu cầu người bệnh nói lặp lại một cụm từ đơn giản. Người bệnh đột ngột nói ngọng, không hiểu lời nói, nói khó.
- T (Time – thời gian): Nếu có bất kỳ dầu hiệu nào trong những dấu hiệu trên, hãy gọi đơn vị cấp ngoại viện 115 để đưa người bệnh đến viện ngay lập tức.
5. Cách xử lý khẩn cấp khi có một ai đó có biểu hiện đột tai biến mạch máu não
Người bệnh bị tai biến mạch máu não, nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến những di chứng rất nặng nề như là tàn phế suốt đời, hoặc thậm chí là tử vong.
- “Thời gian là não”: Thời gian khởi phát triệu chứng càng lâu thì lượng tế bào não bị chết đi càng nhiều. Vì vậy nếu bạn phát hiện ai đó có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của tai biến mạch máu não, cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Hãy gọi cho đơn vị cấp cứu ngoại viện 115 ngay lập tức để đưa người bệnh đến bệnh viện sớm. Tại bệnh viện, các bác sỹ có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
- Đỡ bệnh nhân, tránh ngã
- Nếu bệnh nhân tỉnh táo, đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu cao.
- Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, bởi bệnh nhân có thể nôn, sặc dịch nôn vào đường thở gây viêm phổi. Nghiêng đầu sang một bên nếu bệnh nhân nôn
- Nếu bệnh không tỉnh táo. Bệnh nhân có thể không kiểm soát được đường thở, nguy cơ tắc nghẽn đường thở do chất nôn, dịch tiết, đờm dãi. hãy đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn ( bệnh nhân nằm nghiêng, đầu được đỡ bằng một tay- như hình vẽ)
Tư thế an toàn khi bệnh nhân hôn mê (chú ý: tư thế này không thực hiện ở nạn nhân bị chấn thương mà chưa loại trừ được tổn thương cột sống)
- KHÔNG dùng các phương pháp dân gian để điều trị tai biến mạch máu não như chích máu mười đầu ngón tay, chích máu ở tai. Những phương pháp này không có tác dụng, chỉ làm chậm thời gian bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế và có thể gây hại thêm cho bệnh nhân
- Các thuốc như “An cung ngưu hoàng hoàn” không có lợi ích gì cho bệnh nhân trong giai đoạn “cấp” – bị tai biến mạch máu não. Có nhiều trường hợp còn làm tình trạng chảy máu não của bệnh nhân nặng nề hơn. Ngoài ra, việc cho bệnh nhân uống bất cứ thứ gì trong thời điểm bị tai biến mạch máu não đều gây ra nguy cơ nôn, sặc vào phổi.
6. Những biện pháp để phòng tai biến mạch máu não được các bác sĩ khuyến cáo
Nhận biết các yếu tố nguy cơ tai biến mạch máu não của bạn, làm theo những lời khuyên của bác sỹ chuyên khoa và áp dụng lối sống lành mạnh là những bước tốt nhất để phòng ngừa tai biến mạch máu não. Nói chung, khuyến nghị lối sống lành mạnh bao gồm:
- Kiểm soát huyết áp
- Giảm lượng cholesterol và chất béo bão hòa trong chế độ ăn
- Bỏ thuốc lá
- Kiểm soát đái tháo đường
- Giảm cân
- Tập thể dục thường xuyên.
- Tránh lạm dụng rượu
- Điều trị ngừng thở khi ngủ
- Nếu bạn có tiền sử tai biến mạch máu não hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua, bạn có thể có nguy cơ tái phát cao hơn trong những lần sau. Bạn cần tuân thủ lối sống lành mạnh và tuân thủ chế độ thuốc của bác sỹ chuyên khoa, tái khám định kỳ
Discussion about this post